Hệ quả nguy hiểm trong việc giao thương với Trung Cộng - Dân Làm Báo

Hệ quả nguy hiểm trong việc giao thương với Trung Cộng

Đinh Yên Thảo (Danlambao) - Với những luật lệ dễ dàng để thu hút đầu tư nước ngoài và một nền kinh tế thị trường thoáng đạt, mở nhiều cơ hội cho các hãng xưởng và nước ngoài hoạt động tại nhiều quốc gia, Bắc Kinh đã tận dụng những điều này với các âm mưu và mục đích xa hơn, nhắm đến cả vấn đề chính trị và an ninh quốc gia các nước sở tại, qua các thương vụ và hoạt động đầu tư của mình. Trong bàn cờ giao thương này, Hoa Kỳ có đủ khả năng để ngăn chận những rủi ro hay ngón bạc gian, khi bác bỏ hay điều tra một số các giao kèo ẩn chứa những nguy hiểm hay liên quan đến an ninh quốc gia như đã dẫn. Còn các quốc gia nhỏ bé như Việt Nam, một khi đã nằm trong bàn cờ Trung Cộng, những hiểm họa lâu dài từ chính trị, quốc phòng cho đến xã hội, môi trường, tài nguyên quốc gia... chắc chắn sẽ nguy hiểm gấp bội lần trước các dăm lợi ích trước mắt...

Sự thành công của Trung Cộng qua cuộc cải cách kinh tế từ những năm đầu thập niên 80, đã đưa quốc gia này trở thành một siêu quyền lực kinh tế như hiện nay. Với nguồn ngoại tệ dự trữ dồi dào, tham vọng của Trung Cộng không chỉ là sự bành trướng chính trị và quân sự mà còn cả những ảnh hưởng kinh tế toàn cầu qua các thương vụ đầu tư trực tiếp tại nước ngoài. Các tập đoàn quốc doanh Trung Cộng không chỉ đang thực hiện những cuộc thôn tính kinh tế như vậy tại Châu Á và Châu Phi, mà ngay cả tại Mỹ và phương Tây. Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới, cho đến năm 2005 thì đầu tư của Trung Cộng ra nước ngoài chỉ ở mức 20 tỉ đô la, nhưng cho đến năm 2016 vừa qua, tổng giá trị đầu tư và xây dựng tại nước ngoài đã tăng vọt mức xấp xỉ 1500 tỉ đô la, trong đó riêng tại Hoa Kỳ chiếm hơn 10% tổng giá trị này.

Vấn đề đối ngoại và giao thương với Trung Cộng ra sao, là câu chuyện quốc sách mà không ít người còn đang trông chờ vào sách lược của tân nội các Hoa Kỳ, nhưng bên cạnh những thái độ ngang ngược tại biển Đông và trên chính trường thế giới cùng chính sách tiền tệ và kinh tế đầy tung hứng và thủ lợi, người ta còn nhận ra rằng Trung Cộng đang có những âm mưu xâm nhập vào kinh tế và cơ cấu hạ tầng Hoa Kỳ và phương Tây qua các thương vụ đấu thầu, đầu tư hay mua đứt các tập đoàn tư nhân lâu đời của thế giới như vậy. Không đơn thuần là những giao dịch thương mại và kinh tế, xu hướng này tiềm ẩn cả một nguy cơ về an ninh quốc gia cần được các quốc gia lưu tâm. 

Năm 2005, không phải là thương vụ sang nhượng đầu tiên, nhưng với giá trị, tên tuổi và quy mô của IBM, việc hãng Lenovo của Trung Cộng mua trọn nhánh máy điện toán của IBM - một tên tuổi lâu đời của Hoa Kỳ và thế giới, đã mở màn cho kế hoạch xâm nhập này một cách quy mô và tinh vi trong hầu hết các lãnh vực. Lợi hại, hệ lụy của những thương vụ riêng rẽ như vậy ra sao, đã có các phân tích của các chuyên gia kinh tế, nhưng với thương vụ này, Lenovo đã trở thành một tập đoàn cung cấp máy điện toán đeo bám khít khao vị trí dẫn đầu thế giới của công ty HP (Hewlett Packard) trong các năm qua. Nhưng hơn hết, liệu điều gì sẽ xảy ra khi các thông tin, dữ liệu quan trọng từ chính phủ, quốc phòng, kinh tế cho đến các tập đoàn tư nhân được lưu trữ hay sử dụng qua các hệ thống máy điện toán Lenovo này?

Trong vài năm qua, xu hướng các hãng quốc doanh Trung Cộng đấu thầu, bỏ tiền đầu tư hay mua hẳn các tập đoàn tư nhân của Mỹ và thế giới tăng vọt. Không chỉ các lãnh vực giải trí, dịch vụ và thương mại nói chung, các hãng Trung Cộng tham gia đấu thầu hay sang nhượng cả trong các lãnh vực ảnh hưởng đến cả an ninh quốc gia như mạng điện quốc gia, các nhà máy hạch tâm, các kỹ thuật về khoa học dữ liệu, tự động hóa, viễn thông cùng nhiều cấu trúc hạ tầng khác.

Theo số liệu từ Merger Market, trong năm 2016 vừa qua, các hãng Trung Cộng đã đầu tư 51 tỉ đô la riêng vào Mỹ, tăng 360% so với năm trước. Một số khán giả xem phim có lẽ không để ý rằng hệ thống rạp chiếu phim AMC đã nằm trong tay tập đoàn của Dalina Wanda đã vài năm nay và trong năm qua, tập đoàn này lại tiếp tục mua luôn hãng sản xuất phim Hollywood là Legendary Entertainment với giá 3.5 tỉ đô la. Hay như nhánh chế tạo hàng gia dụng của hãng GE cũng đã bị hãng Haier của Trung Cộng mua lại với giá 5.6 tỉ đô la. Có thể kể thêm một số thương vụ bạc tỉ khác trong năm qua, như việc mua lại một phần sở hữu hệ thống khách sạn Hilton hay mua đứt hệ thống khách sạn sang trọng Strategic Hotels... Các tập đoàn thương mại và đầu tư tư nhân Hoa Kỳ từng phấn khích hay chỉ nhắm đến lợi ích của mình trong những thương vụ như vậy và việc mua bán, đầu tư trong vài lãnh vực giải trí, khách sạn... xem như không ảnh hưởng nhiều đến các yếu tố chiến lược quốc gia. Nhưng chúng không phải là lãnh vực duy nhất mà Trung Cộng nhắm đến hay đang ngấm ngầm một chiến dịch tinh vi hơn. Như những người phản đối lo ngại rằng thị trường chứng khoán Chicago, dù không mạnh bằng thị trường chứng khoán New York, nhưng nay đã về tay các công ty Trung Cộng, có thể dẫn đến những thủ thuật, mánh lới vốn sẳn có của các nhà đầu tư Trung Cộng, gây xáo trộn thị trường. 

Việc Huawei, hãng viễn thông chế tạo thiết bị và điện thoại đa năng hàng đầu của Trung Cộng nhắm vào thị trường Hoa Kỳ cũng là một ví dụ khác. Sau khi trúng thầu cung cấp thiết bị viễn thông cho một số nước Châu Âu và Canada, nếu Ủy ban Tình báo của Quốc Hội và Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA không ngăn chận và cảnh báo về nguy cơ thiết bị của Huawei có nguy cơ ẩn chứa các rủi ro về an ninh cho hệ thống thông tin liên lạc của Hoa Kỳ hồi năm 2014, thì ắt đã không ít nhà cung cấp dịch vụ điện thoại tại Mỹ đã mua các thiết bị của Huawei, hãng có tiền thân từ quân đội Trung Cộng và từng bị NSA phát hiện là các tên tin tặc từ TC đã dùng thiết bị Huawei để tấn công vào Hoa Kỳ. Tương tự như vậy, nếu chính phủ Hoa Kỳ không cảnh cáo rằng sẽ điều tra thương vụ hãng TC muốn mua Western Digital, hãng lưu trữ dữ liệu và chế tạo cương liệu máy điện toán hàng đầu thế giới, cung cấp cả cho thiết bị lưu trữ dữ liệu của chính phủ, thì có lẽ Western Digital đã thuộc về Trung Cộng. 

Các chính phủ phương Tây có lẽ cũng đã nhận ra các nguy cơ này, khi bắt đầu bác bỏ một số các khế ước giao dịch tư nhân hay giữa chính phủ với các tập đoàn Trung Cộng. Hồi năm trước, chính phủ Úc cũng đã ngăn việc một hãng quốc doanh của TC đã bỏ tiền thuê và kiểm soát mạng cung cấp điện Ausgrid trong vòng 99 năm với lý do an ninh quốc gia. Hay như Anh đã kịp nhận ra sai lầm của mình để kịp rút lại quyết định giao cho một hãng thầu quốc doanh của Trung Cộng góp vốn và xây dựng một nhà máy điện nguyên tử trị giá đến 23 tỉ đô la, được ký kết trong chuyến Tập Cận Bình công du đến Anh trước đó. 

Lý do duy nhất mà các hãng tư nhân và kể cả một số chính phủ đã chọn các nhà thầu Trung Cộng hay sang nhượng, bán hãng mình cho Trung Cộng vì vấn đề giá cả và quyền lợi của mình. Nhưng đó là những quyền lợi trước mắt và khó lường những hậu quả lâu dài. Việc xây dựng chiếc cầu Bay Bridge nối liền giữa San Francisco và Oakland tại California là một bài học đắt giá cho California và các tiểu bang khi giao cho các nhà thầu khoán Trung Cộng thực hiện các dự án của mình. Khi California quyết định sẽ thay thế chiếc cầu cũ bị hư hỏng từ sau trận động đất hồi năm 1989, Bộ Giao Thông California đã quyết định cho hãng ZPMC của Trung Cộng trúng thầu xây dựng chiếc cầu mới năm 2006 nhằm tiết kiệm khoảng 250 triệu đô la với cam kết về thời gian hoàn tất dự án, so với giá thầu và thời gian mà các hãng thầu của Mỹ và thế giới đề ra. Chi phí dự tính ban đầu chỉ khoảng 1.3 tỉ đô la và thời gian thực hiện là bảy năm. Nhưng kết cục, chiếc cầu hoàn tất với giá 6.5 tỉ đô la và kéo dài hơn 10 năm, trở thành một chiếc cầu đắt giá nhất thế giới đã được xây. Nhưng hơn hết, những lỗi kỹ thuật cả trong thiết kế và thi công của các nhà thầu Trung Cộng vẫn còn là điều tranh cãi hiện nay, cùng các nghi ngờ về phẩm chất và tuổi thọ của chiếc cầu này, liệu có đạt đến mức dự tính sẽ là 150 năm?

Giao thương và tự do mậu dịch là xu hướng toàn cầu trong vài thập niên qua, nên việc giao thương với Trung Cộng là điều thông thường với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi khi làm ăn với những kẻ lắm thủ đoạn như Trung Cộng. Với những luật lệ dễ dàng để thu hút đầu tư nước ngoài và một nền kinh tế thị trường thoáng đạt, mở nhiều cơ hội cho các hãng xưởng và nước ngoài hoạt động tại nhiều quốc gia, Bắc Kinh đã tận dụng những điều này với các âm mưu và mục đích xa hơn, nhắm đến cả vấn đề chính trị và an ninh quốc gia các nước sở tại, qua các thương vụ và hoạt động đầu tư của mình. Trong bàn cờ giao thương này, Hoa Kỳ có đủ khả năng để ngăn chận những rủi ro hay ngón bạc gian, khi bác bỏ hay điều tra một số các giao kèo ẩn chứa những nguy hiểm hay liên quan đến an ninh quốc gia như đã dẫn. Còn các quốc gia nhỏ bé như Việt Nam, một khi đã nằm trong bàn cờ Trung Cộng, những hiểm họa lâu dài từ chính trị, quốc phòng cho đến xã hội, môi trường, tài nguyên quốc gia... chắc chắn sẽ nguy hiểm gấp bội lần trước các dăm lợi ích trước mắt.

24.02.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo