Gặp gỡ giữa các tổ chức hoạt động xã hội dân sự độc lập với Tiểu ban Nhân quyền của EU - Dân Làm Báo

Gặp gỡ giữa các tổ chức hoạt động xã hội dân sự độc lập với Tiểu ban Nhân quyền của EU

Nguyễn Chí Tuyến  - Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của EU đã có buổi làm việc với các đại diện các hội nhóm xã hội dân sự độc lập và các cá nhân ở Việt Nam.

Buổi họp diễn ra tại trụ sở của EU tại Việt Nam.

Tham dự cuộc họp, phía phái đoàn gồm có; Chủ tịch Tiểu ban ông Pier A. Panzeri (Italy), ông Adam Kosa (Hungary), ông Lars Adaktusson (Thụy Điển), bà Soraya Post (Thụy Điển), bà Beatriz Becerra (Tây Ban Nha), ông David Martin (Anh) và Đại sứ EU tại Việt Nam ông Bruno Angelet cùng các thành viên khác của phái đoàn cũng như các nhân viên EU tại Việt Nam.

Đại diện phía Việt Nam tham dự gồm: ông nguyễn Tường Thụy, ông Lê Công Định, ông Vũ Quốc Ngữ, bà Phạm Đoan Trang, ông Nguyễn Chí Tuyến và ông Nguyễn Anh Tuấn.

Phía Việt Nam đã cung cấp tài liệu và chia sẻ những vấn đề liên quan đến thực trạng nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại v.v...

Việc hơn 100 người hoạt động xã hội bị cấm xuất cảnh, việc hàng trăm người dân bị chết trong đồn công an diễn ra trong những năm gần đây, việc các nhà hoạt động bị bắt giữ tùy tiện và giam giữ mà không được tiếp cận với luật sư và không được đưa ra xét xử trong một thời gian dài cũng đã được phía Việt Nam nêu ra.

Ngoài ra, phía Viêt Nam cũng đã chia sẻ với phái đoàn về các hành vi trấn áp, đe dọa, sách nhiễu, bắt giữ, ngăn cản mà nhà cầm quyền Việt Nam đang áp dụng đối với các hội nhóm xã hội dân sự độc lập và cá nhân ở Việt Nam khi thực hiện các quyền căn bản của con người cũng như các quyền dân sự. 

Đại diện phía Việt Nam đã đề nghị phái đoàn cần gắn chặt các vấn đề về nhân quyền với các vấn đề kinh tế khi thảo luận để phê chuẩn Hiệp định Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA). Ngoài ra, các đại diện phía Việt Nam cũng đề nghị cần phải có cơ chế đánh giá định kỳ đối với Hiệp định này. Phía Việt Nam cũng lưu ý phái đoàn của Tiểu ban cần nhấn mạnh đến sự thực thi trên thực tế của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Hiến pháp, các bộ Luật và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký thay vì chỉ đánh giá những con chữ được ghi trên giấy.

Phía phái đoàn của Tiểu ban Nhân quyền cũng đã đặt một số câu hỏi cụ thể để có thêm thông tin để làm rõ các vấn đề mà phía các đại diện Việt Nam đã nêu ra. Đồng thời, phía phái đoàn cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với những đề nghị của các đại diện ở Việt Nam.

Phía phái đoàn cũng cho biết một số thông tin mà phái đoàn đã làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam. Ngoài ra, phái đoàn cũng hỏi các đại diện Việt Nam liệu họ có thể sử dụng các thông tin được cung cấp công khai hay không, nhất là trong cuộc họp tiếp theo của họ với Bộ công an vào ngày 24/02. Các đại diện Việt Nam bày tỏ sự đồng ý và sẵn sàng để phái đoàn tùy ý sử dụng.

Buổi làm việc thẳng thắn và hiệu quả giữa hai bên đã kết thúc vào 15h20 cùng ngày.

Hà Nội, 23 tháng Hai 2017

Nguyễn Chí Tuyến tường thuật.


*

Tuyên Bố Chung của XHDS Độc Lập Việt Nam gửi EU


Phạm Đoan Trang - Ngày 23/2, đại diện của 11 tổ chức xã hội dân sự độc lập đã gặp gỡ phái đoàn dân biểu của Nghị viện châu Âu trong chuyến làm việc của Nghị viện để tìm hiểu về tình hình nhân quyền Việt Nam, trước khi có thể phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.

11 tổ chức, trong đó có Con Đường Việt Nam, Green Trees, Nhật Ký Yêu Nước, Hội Nhà báo Độc lập, NXB Trẻ Hà Nội, đã cùng ra một tuyên bố chung đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam trong 5 năm qua. Tuyên bố gồm có 30 điều khoản đánh giá và 4 kiến nghị.

Theo đó, mặc dù có đạt một số thành tích về xóa đói giảm nghèo, nhưng Việt Nam vẫn là một chính thể độc đảng, quyền con người bị vi phạm trầm trọng và trên diện rộng, đặc biệt là các quyền tự do ngôn luận, hiệp hội, tụ tập ôn hòa, và tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Bản tuyên bố nêu rõ những biện pháp mà chính quyền dùng để trấn áp tự do ngôn luận và báo chí ở Việt Nam: 1. Duy trì hệ thống thẻ nhà báo do nhà nước cấp phát, để không công nhận nhà báo độc lập, từ đây mở đường cho việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin, thậm chí đánh đập, hành hung người làm báo; 2. Duy trì hệ thống cơ quan tuyên giáo các cấp từ trung ương tới địa phương để kiểm soát chặt chẽ nội dung của báo chí; 3. Phát triển đội ngũ dư luận viên để công khai tấn công vào tự do ngôn luận, mạ lị, bôi nhọ các tiếng nói phản biện, song song với ca ngợi chính sách của nhà nước…

Điều 18 của Tuyên bố chung xác định lực lượng an ninh đã và đang rất tích cực gây chia rẽ giữa các tổ chức xã hội dân sự có giấy phép và khối xã hội dân sự độc lập.

Điều 19 nêu rõ việc hàng chục năm qua, công dân Việt Nam vẫn phải khai báo thông tin về “dân tộc” và “tôn giáo” trong giấy tờ tùy thân, và điều này cấu thành một sự vi phạm nhân quyền với tính chất kỳ thị.

Trong phần kiến nghị, những tổ chức ra tuyên bố chung yêu cầu:

- Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam phải có những điều khoản về nhân quyền, được xác định rõ ràng và có tính ràng buộc;

- Ủy ban châu Âu phải tiến hành báo cáo đánh giá tác động nhân quyền, song song với Hiệp định;

- Sau khi Hiệp định được phê chuẩn, Ủy ban châu Âu phải xem xét các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng Chính phủ Việt Nam tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ nhân quyền của mình;

- Phải có cơ chế kiểm định, đánh giá về nhân quyền; cơ chế này phải khuyến khích và tạo điều kiện cho khối xã hội dân sự độc lập tham gia.

“Quyền con người căn bản vẫn tiếp tục bị vi phạm tràn lan ở Việt Nam, đi kèm với bạo lực được bảo kê và trấn áp chính trị. Tất yếu điều này làm suy giảm sự thịnh vượng của người dân Việt Nam và về dài hạn, ngăn cản sự phát triển bền vững của đất nước” – Tuyên bố chung khẳng định.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo